< đây là bài viết mà SYME tổng hợp để chia sẻ lại từ nguồn Group Tinh Dầu – Liệu Pháp Hương Thơm, đã xin phép >
Mình thấy đây là nội dung quan trọng để khởi đầu, và cũng rất may mắn đã tìm được bài cực phù hợp, gần như ko cần thêm bớt gì ! Thôi, mời cả nhà cùng đọc để tìm hiểu lịch sử của ngành tinh dầu nhé !
Các loại dầu thơm đã là một phần của lịch sử loài người từ hơn 3.500 năm trước Công nguyên và xuất hiện thường xuyên trong tất cả các nền văn minh lớn từ ngàn đời nay, với các mục đích sử dụng khác nhau, từ nghi lễ tôn giáo, làm hương liệu thực phẩm, thuốc men, làm nước hoa và khử mùi hôi. Không thể xác định chính xác thời điểm thực vật được sử dụng làm thuốc lần đầu tiên vì quá trình phát triển như vậy đã diễn ra trong hàng nghìn năm.
Trước khi có các thử nghiệm khoa học hiện đại, các đặc tính của các loài thực vật khác nhau đã được khám phá rất nhiều thông qua những lần thử nghiệm, học hỏi từ sai lầm, và bằng cách quan sát các loài động vật tương tác với thực vật, kiến thức bản năng về loại thực vật nào chúng ta nên ăn khi bị bệnh. Những kiến thức như vậy sẽ được truyền lại cho các thế hệ kế tiếp, qua lời nói, qua truyền thống, tập tục, cuối cùng trở thành loại thuốc thảo dược mà chúng ta nhận ra ngày nay, từ đó liệu pháp hương thơm đã ra đời và phát triển.
Con người từ những nền văn minh sơ khai này cũng đã nhận ra rằng việc đốt một số nguyên liệu thực vật nhất định sẽ tạo ra những tác động bất thường (ví dụ như buồn ngủ, nâng cao nhận thức, cải thiện thị giác, xua đuổi tà ma). Những trải nghiệm như vậy thường liên quan đến tôn giáo vì hương thơm được lan toả trong không khí, cả không khí và hơi thở đều được coi là biểu hiện của thần thánh nên thông qua hương thơm, mối quan hệ giữa con người và thần thánh được tạo ra. Ngày nay, truyền thống này vẫn tiếp tục với các ngôi đền phương Đông thắp hương theo nghi thức trên bàn thờ Ấn Độ giáo và Phật giáo, nhà thờ Công giáo La Mã cũng sử dụng trầm hương, nhũ hương để đốt trong các buổi lễ.
Trong thời kỳ đồ đá mới (khoảng 6-9.000 năm trước) ở phương Đông, có bằng chứng cho thấy loài người đã phát hiện ra một số loại thực vật có chứa dầu béo – các loại cây như ô liu, thầu dầu, lanh và vừng – có thể được chiết xuất bằng cách ép và sau đó được sử dụng để nấu ăn, làm dầu xoa hoặc sử dụng như các chế phẩm dược để chữa lành.
LỊCH SỬ CỦA LIỆU PHÁP MÙI HƯƠNG (PHẦN 2) THỜI ẤN ĐỘ CỔ ĐẠI VÀ TRUNG HOA CỔ ĐẠI
Ấn Độ cổ đại là một trong những nền văn minh đầu tiên hướng tới việc điều trị toàn diện cho con người (whole body). Y học cổ truyền của Ấn Độ, được gọi là Ayurvedic (nghĩa là ‘kiến thức cuộc sống’/knowledge of life/the science of life), là hình thức thực hành y tế lâu đời nhất trên thế giới, với các loại thực vật và chiết xuất thực vật được sử dụng một cách liên tục từ ít nhất 5000 năm trước cho đến tận ngày nay.
Cuốn sách “Vedas” là cuốn sách cổ nhất về thực vật được viết ở Ấn Độ vào khoảng năm 2000 trước công nguyên, trong đó có liệt kê các công dụng khác nhau của hàng trăm loài thực vật, chẳng hạn như gỗ đàn hương, gừng, một dược, quế và rau mùi, sử dụng cho cả mục đích tôn giáo và y học. Người Trung Hoa cổ đại có kiến thức cao một cách đáng kinh ngạc về các thuộc tính, dược tính của thực vật. Hệ thống chữa bệnh của người Trung Hoa bao gồm các phương pháp điều trị như châm cứu shiatsu và các biện pháp chữa bệnh bằng thảo dược có thể bắt nguồn từ năm 2500 trước Công nguyên, tạo nền tảng cho những gì chúng ta biết ngày nay là “Y học cổ truyền Trung Quốc ”. Trọng tâm hàng đầu cho sức khỏe là sự cân bằng của khí, của âm và dương, của năm nguyên tố kim – mộc – thuỷ – hoả – thổ.
Vào khoảng 2800 TCN, người Trung Hoa đã viết một cuốn sách có tên “Internal medicine”, nói về nguyên nhân và cách điều trị bệnh, trong đó có chi tiết về nhiều loại thực vật và các phương thuốc từ thảo dược. Đây là một trong những cuốn sách cổ nhất trên thế giới, và có thể ngày nay vẫn còn được in lại. Tuy nhiên, đóng góp chính của người Trung Hoa vào câu chuyện mùi hương lại bắt đầu từ cam quýt vì người ta tin rằng gần như tất cả các loài cam quýt có nguồn gốc từ đất nước này, vươn tới được vùng Địa Trung Hải vào thế kỷ thứ 10 thông qua người Ả Rập.
(PHẦN 3) – AI CẬP CỔ ĐẠI
Người Ai Cập cổ đại được coi là đi tiên phong trong việc sử dụng các loại cây thơm, họ không chỉ sử dụng tinh dầu thơm trong xông hương, làm thuốc, xoa bóp, chăm sóc da và mỹ phẩm mà còn áp dụng vào cả trong quá trình ướp xác người chết rất tinh vi.Không có tài liệu nào cho thấy rằng quá trình chưng cất đã được phát minh vào thời điểm này, vì vậy các phương pháp sản xuất dầu thơm duy nhất của người Ai Cập là ướp và ngâm, đun nóng. Trong thời kỳ này, các khu vườn của các pharaoh được sử dụng để trồng rất nhiều loại dược liệu từ khắp nơi trên thế giới, các thầy tu trong các đền thờ và thầy thuốc thời đó phụ trách việc bào chế thuốc từ dầu thơm, làm nước hoa cho các Pharoah để họ sử dụng trong thời gian cầu nguyện, trong thời gian tham gia chiến tranh và cả trong tình yêu.Việc giữ gìn vệ sinh cá nhân rất quan trọng đối với người Ai Cập, năm 1500BC, Ebers Papyrus là tài liệu chứa một trong những công thức được ghi chép sớm nhất về chất khử mùi cơ thể, chứng tỏ rằng các thầy thuốc Ai Cập có kiến thức sâu sắc về đặc tính của một số lượng lớn các loại thảo mộc. Hương thơm càng đặc biệt quan trọng đối với người Ai Cập và có liên kết chặt chẽ với tôn giáo, nó quan trọng đến mức mỗi vị thần Ai Cập được gắn với một loại mùi hương riêng và người ta dùng chính mùi hương đó để xức cho các bức tượng của các vị thần. Ngoài ra còn có một số đơn thuốc và công thức để cải thiện vệ sinh cơ thể cũng tồn tại, được ghi lại trên bia đá. Một trong những cách sử dụng nước hoa được yêu thích của người Ai Cập cổ đại là đặt đầu thơm lên đầu, chúng sẽ từ từ tan chảy, phủ hỗn hợp hương thơm lên đầu và cơ thể.Người Ai Cập cổ đại là những chuyên gia sử dụng nhựa và tinh chất từ thực vật để ướp xác và tạo hương thơm cho các ngôi đền. Xác ướp của Tutankhamen được mở vào năm 1922 và người ta tìm thấy các hũ, lọ đựng nhũ hương, cam tùng, kyphi và chúng vẫn được đạy nắp nguyên vẹn suốt hơn 3000 năm.
(PHẦN 4) AI CẬP CỔ ĐẠI
Với mục đích bảo quản xác ướp trong 3000 năm do người ta tin rằng đây là thời gian để linh hồn đi qua tất cả các loài động vật của trái đất và sau đó trở lại thành một con người, nhờ các đặc tính khử trùng và kháng khuẩn mạnh mẽ của dầu nên người Ai Cập cổ đại đã sử dụng dầu để ướp xác người chết, giúp ngăn ngừa xác thịt bị thối rữa.
Một trong những loại nước hoa yêu thích của người Ai Cập được gọi là “kyphi”, thực ra hơn cả nước hoa kyphi cũng có thể được sử dụng như một chất khử trùng, để đốt cho thơm, làm thuốc giải độc, hoặc được sử dụng như một loại thuốc an thần, vì nó có tác dụng “ru người ta vào giấc ngủ, xoa dịu nỗi lo lắng và làm thắp sáng những giấc mơ”.
Kyphi chứa hỗn hợp 23 thành phần khác nhau, có thể kể tới thạch xương bồ (một chất gây mê mạnh), quế, bạc hà, cây keo, bách xù, các loại nhựa thơm nhũ hương một dược, tuyết tùng và nho khô. Kyphi là một phần quan trọng của xã hội Ai Cập cổ đại, ở Heliopolis (Thành phố của mặt trời), thần mặt trời, Ra, được thờ cúng bằng cách đốt hương ba lần một ngày – một loại nhựa được đốt khi mặt trời mọc; một dược được đốt vào buổi trưa và kyphi được đốt vào lúc hoàng hôn. Kyphi cũng tiếp tục được sử dụng bởi cả người Hy Lạp và người La Mã.
Các loại gỗ thơm, thảo mộc và gia vị cũng được người Ai Cập đốt để tôn vinh các vị thần của mình – Người Ai Cập tin rằng khi khói bay lên sẽ mang theo những lời nguyện cầu của họ. Cuối cùng, hi nền văn minh tráng lệ này sụp đổ, châu Âu đã trở thành trung tâm y học mới.
(PHẦN 5) – HY LẠP CỔ ĐẠI
Người Hy Lạp đã tích luỹ được rất nhiều kiến thức về các loại cây thơm từ thung lũng sông Nile ở Ai Cập, nơi được coi là cái nôi của nền y học, đó cũng là nhờ chuyến đi của Herodutos vào khoảng thời gian năm 500 – 400 trước công nguyên. Herodotus ghi lại cách phụ nữ Assyrian “dùng đá, gỗ cây bách, tuyết tùng và nhũ hương sau đó đổ nước vào cho đến khi có độ sệt nhất định, bằng cách này, họ đã xức lên mặt và cơ thể để tạo ra một mùi thơm dễ chịu nhất ”. Tiếp sau đó, một trường y khoa được thành lập trên đảo Cos của Hy Lạp và trường học này đã trở nên nổi tiếng nhờ sự bảo trợ của Hippocrates.
Hippocrates sinh ra ở Hy Lạp vào năm 460 TCN, mất năm 377 TCN, và được coi là “cha đẻ của nền y học”. Ông đã viết lại tất cả các công dụng hữu ích của các loại thực vật và thảo mộc, ông cũng ghi lại tất cả những kiến thức đã thu được từ người Ai Cập. Các phương pháp điều trị của ông sẽ bao gồm xoa bóp bằng dầu ngâm, sử dụng thảo dược để đun uống, để tắm và các liệu pháp vật lý khác. Phẫu thuật sẽ chỉ được sử dụng như một biện pháp cuối cùng vì ông coi toàn bộ cơ thể như một tổ chức hoàn thiện, toàn diện.
Từ thế kỷ thứ 4 trước công nguyên, Hippocrates đã công nhận rằng đốt một số loại cây có mùi thơm sẽ giúp bảo vệ con người khỏi các bệnh truyền nhiễm. Thậm chí, ông còn sử dụng kiến thức về các tinh chất thơm để khử trùng, làm sạch Athens và giúp Athens thoát khỏi bệnh dịch. Cùng với Galen, Hippocrates đã dạy về “sức mạnh chữa lành của tự nhiên”. “Cách để có sức khỏe là tắm nước thơm và xoa bóp bằng dầu thơm mỗi ngày”, và “Người thầy thuốc phải có kinh nghiệm về nhiều thứ và mặc dù không có gì có thể kết nối được một khớp xương quá lỏng lẻo hay nới lỏng một khớp xương quá cứng nhưng hãy cứ yên tâm xoa bóp ”
Nền tảng của y học Hy Lạp dựa trên sự cân bằng tinh thần, cảm xúc và thể chất. Bệnh tật được coi là sự xáo trộn của sự cân bằng này, con đường hồi phục lại sức khỏe là sự tái cân bằng của ba yếu tố này – nói cách khác, đó là sự cân bằng tổng thể, toàn diện. Ngày nay, Hippocrates được biết đến nhiều hơn với lời thề Hippocrate mà tất cả các bác sĩ chuẩn bị ra trường để hành nghề phải đọc và nguyện làm theo.
Theophrastus (370-285BC), một sinh viên triết học người Hy Lạp, là học trò của cả Plato và Aristotle, và sau này là lãnh đạo của Trường Peripatetic, người đã viết luận thuyết đầu tiên về mùi hương. Ông lập danh sách tất cả các chất thơm của Hy Lạp và và các chất thơm nhập khẩu, thảo luận về cách sử dụng chúng. Theophrastus đã ghi lại một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của liệu pháp hương thơm – rằng dầu thơm khi xoa bên ngoài vẫn có thể ảnh hưởng đến hoạt động bên trong cơ thể. Tác phẩm của ông có tựa đề “Tìm hiểu về thực vật” thể hiện những nỗ lực đầu tiên để ghi lại một cách có hệ thống những quan sát về thực vật và liệt kê chúng theo những điểm tương đồng.
Người Hy Lạp tin rằng hương thơm ngọt ngào có nguồn gốc từ thần thánh. Trong thần thoại cổ đại của họ, các vị thần xuống trần gian trên những đám mây có mùi thơm, mặc những chiếc áo choàng thấm đẫm tinh chất thơm. Sau khi chết, người Hy Lạp cũng tin rằng những người đã khuất đã đến Elysium, nơi không khí luôn luôn có mùi thơm ngọt ngào nhờ mùi hương từ những dòng sông thơm.
Một người Hy Lạp, tên là Magallus, đã tạo ra một loại nước hoa kết hợp giữa một dược, quế cinnamon và quế cassia, sau đó đã trở nên nổi tiếng khắp đất nước, là nhờ bên cạnh mùi thơm thì loại nước hoa này có đặc tính chữa lành vết thương và chống viêm của nó. Thực tế, những người lính Hy Lạp cũng thường dùng một loại thuốc mỡ có chứa một dược để mang theo khi tham gia chiến trận, họ sẽ cần dùng khi bị thương vì một dược có đặc tính kháng khuẩn và chữa lành rất tuyệt vời.
Một bác sĩ nổi tiếng người Hy Lạp khác, tên là Marestheus, nhận ra rằng một số loại cây có mùi thơm thường có đặc tính kích thích, còn các hương thơm từ hoa hồng, từ trái cây và các loại gia vị sẽ giúp cải thiện tinh thần uể oải và mệt mỏi trở nên tươi tỉnh, nhẹ nhõm hơn.
(PHẦN 7) – NGƯỜI DO THÁI VÀ CƠ ĐỐC GIÁO SƠ KHAI
Vào khoảng năm 1240 trước Công nguyên, người Do Thái bắt đầu di cư khỏi Ai Cập trong chuyến hành trình kéo dài 40 năm đến Israel, mang theo nhiều loại dầu và nhựa quý giá, cùng với kiến thức về cách sử dụng các sản phẩm này.
Trong sách Old Testament của Exodus, Đức Chúa Trời đã hướng dẫn Moses tạo ra một loại “dầu thánh” được làm từ một dược, quế cinnamon, xương bồ, quế cassia và dầu ô liu. Sự kết hợp như vậy sẽ mang lại tác dụng chống vi rút và kháng khuẩn rất mạnh, giúp những người dùng loại dầu này được bảo vệ. Không chỉ vậy, tác dụng chữa lành vết thương của một dược đã được biết đến cả trước thời điểm này.
Trong nền văn minh Do Thái, việc thanh lọc cơ thể của phụ nữ Do Thái thường diễn ra suốt một năm: trong sáu tháng đầu tiên, việc thanh lọc được thực hiện bằng cách thường xuyên xức dầu thơm một dược, 6 tháng tiếp theo sẽ sử dụng các loại chất thơm khác. Trong thời gian di cư và vào những thời điểm mà phụ nữ Do Thái không thể tắm thì họ sử dụng một túi vải lanh nhỏ chứa một dược và các chất thơm khác, buộc vào một sợi dây, đeo thành vòng và thả túi thơm giữa hai bầu ngực để dùng làm chất khử mùi.
Trong khi các ngôi đền cổ của Ấn Độ được xây dựng bằng gỗ đàn hương thì đền thờ của vua Solomon ở Jerusalem được xây bằng gỗ tuyết tùng thơm (cây tuyết tùng của Lebanon). Có thể người Do Thái cũng nhận ra sự cần thiết của một bầu không khí tĩnh lặng khi tham dự các buổi lễ tôn giáo.
Các ghi chép cho thấy những thương gia người Phoenicia đã mang quế, nhũ hương, gừng và một dược quý giá từ Phương Đông tới Isarel, trong đó nhựa nhũ hương và nhựa một dược là hai trong số những món quà vô cùng giá trị đã được trao cho Chúa Jesus khi ngài sinh ra. Về mặt hình tượng, chúng đại diện cho địa vị của chúa Jesu như một vị thần (nhũ hương) và cái chết của ông (một dược được sử dụng để ướp xác người chết).
Cam tùng cũng là sản vật được cho là nhập khẩu từ Ấn Độ và được Mary sử dụng để xức dầu cho Chúa Jesus trước khi ngài bị đóng đinh, miếng bọt biển được buộc vào cây đưa lên cho chúa Jesus uống nước trong khi ngài bị treo trên thập tự giá, là hỗn hợp của giấm và myrh (có lẽ nhằm mục đích làm dịu nỗi đau)
PHẦN 8 – THỜI TRUNG CỔ (500-1500AD)
(Bệnh dịch hạch gây ra tỉ lệ tử vong rất cao trong lịch sử nhân loại)
Hiệp sĩ của các cuộc Thập tự chinh chính là những người đã mang những tinh chất thơm và nước thơm tới Châu Âu. Những thứ này trở nên phổ biến đến mức nước hoa bắt đầu được sản xuất. Tuy nhiên, giá trị thực của những loại thực vật và thảo mộc này chỉ được đánh giá đầy đủ khi bệnh dịch hạch lan ra ở châu Âu vào thế kỷ 14. Lửa được đốt suốt đêm ở từng góc phố, nhũ hương, gỗ cánh kiến và gỗ thông được đốt cùng với những loại thảo dược khác.
Trong nhà, mùi của sự chết chóc và sự lây nhiễm chết người đã được chiến đấu đẩy lùi bằng cách sử dụng các loại nhang thơm và nến thơm, cùng với các loại thảo mộc thơm được rải trên sàn nhà, khi người ta bước đi trên đám thảo mộc đó mùi thơm sẽ được giải phóng nhằm giúp ngăn chặn sự lây nhiễm và giấu bớt mùi cơ thể khó chịu, không tốt cho sức khỏe.
Các loại mùi thơm đã được sử dụng rộng rãi để chống lại “cái chết đen” vào thời điểm này, mọi người thường mang hoặc đeo những cây thơm dưới dạng quả bông, nhồi đinh hương vào bên trong quả cam, hoặc đeo những bó hoa thảo mộc. Những cây thơm này là chất khử trùng, bảo vệ tốt nhất chống lại bệnh dịch hạch và mọi người đã biết áp dụng để phòng ngừa. Điều thú vị cần lưu ý là các tiệm thuốc và nước hoa được cho là miễn nhiễm với bệnh dịch do họ thường xuyên xử lý nguyên liệu từ thảo dược.
Thời kỳ này, các bác sĩ thời này thường đeo mặt nạ phòng độc hình mỏ chim chứa các loại thảo mộc thơm, ví dụ như quế và đinh hương, nhằm thanh lọc không khí họ hít thở, không khí được khử trùng được cho là có tác dụng giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch hạch và giảm mùi hôi thối khi thăm khám cho bệnh nhân. Họ cũng thường có 1 cây gậy dài, có 1 đầu hở chứa các loại thảo mộc thơm, họ giơ gậy lên và vẫy tay với mục đích làm sạch bầu không khí, các bác sĩ đã sử dụng những phương pháp này trong suốt thời Trung cổ đến thế kỷ 17.
Tuy nhiên, các tu viện mới là nơi trồng chính của các cây dược liệu thơm vào thời kì này, từ đây một số cây đã được mang tới Italia như thyme và melissa. Những khu vườn dược liệu thơm này sau đó đã được tiếp tục phát triển bởi các trường đại học y khi thực vật học trở thành một phần của nghiên cứu y học, cuối cùng phát triển thành vườn thực vật trong thời kỳ Phục hưng, hoặc còn gọi là vườn thuốc – vườn thuốc đầu tiên được phát triển ở Oxford – Anh Quốc vào năm 1621.
PHẦN 9 – THỜI TRUNG CỔ (500 – 1500AD)
Trong thời Trung cổ, con đường giao thương chính với các nền văn minh Ả Rập là qua Venice và chính tại đây, người ta có thể truy tìm nguồn gốc của cơn sốt găng tay da thơm. Có giả thuyết rằng một nữ quý tộc người Ý, Catherine D’Medici đã giới thiệu kiểu thời trang này đến phần còn lại của châu Âu khi kết hôn với vua tương lai của nước Pháp, bà đã mang theo thợ làm nước hoa của mình đến Pháp vào năm 1533. Vào thời đó ở Grasse (Pháp) chủ yếu sản xuất đồ da, nhưng khi kiểu thời trang này bắt đầu thịnh hành, các nhà kinh doanh đồ da của Grasse bắt đầu làm nước hoa cho đồ da của họ bằng các loại cây thơm mọc xung quanh thị trấn như hoa huệ, hoa violet, hoa oải hương và hoa hồng. Khi ngành công nghiệp đồ da của Grasse suy yếu, nó dần dần được thay thế bằng ngành sản xuất nước hoa và tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay.
Vào cuối thế kỷ 15, Philippus Theophrastus Bombastus von Hohenheim được sinh ra tại một thị trấn thuộc Thụy Sĩ ngày nay, ông đã trở thành một bác sĩ phẫu thuật, một nhà chiêm tinh và là một nhà giả kim nổi tiếng vào thế kỷ 16, tạo nên cuộc cách mạng hóa y học và đặt nền móng cho cả y học hiện đại, y học thay thế (trị liệu hỗ trợ và thay thế) ngày nay. Ông là người đầu tiên thành công trong việc tách phần thô của thực vật khỏi các thành phần tinh vi hơn của chúng, tức là phân tách các hoạt chất hóa học trong thực vật, một quy trình hiện đã trở thành thông lệ trong ngành dược phẩm. Năm 1536, ông viết một cuốn sách và nói rõ rằng vai trò chính của thuật giả kim không phải là biến kim loại cơ bản thành vàng mà là để tạo ra các loại thuốc chữa bệnh từ một số chất chiết xuất từ thực vật, mà ông đặt tên là ‘seda essentia’ tức là tinh chất hoặc tinh dầu. Do sự nhấn mạnh của ông về tầm quan trọng của quá trình chưng cất để giải phóng phần quan trọng nhất của từng loại thực vật, một số loại tinh dầu như tuyết tùng, quế, nhũ hương, một dược, hoa hồng, hương thảo và xô thơm đã trở nên nổi tiếng với các dược sĩ vào năm 1600.
PHẦN 10 – HỒI GIÁO TRUNG CỔ
Avicenna (980-1037 sau Công Nguyên) là một bác sĩ và nhà triết học người Ả Rập, sinh ra ở Bukhara, Ba Tư. Ông bắt đầu học y khoa từ năm 16 tuổi và đến năm 20 tuổi, ông đã trở thành thầy thuốc cho hoàng cung và được phong là “hoàng tử của các thầy thuốc”. Avicenna viết nhiều cuốn sách mô tả tác dụng của nhiều loại cây khác nhau đối với cơ thể. Sách của ông có tên “Các quy chuẩn của Y học”, là một bộ bách khoa toàn thư về y học đồ sộ và bao gồm cả các kiến thức truyền lại từ Hippocrate và Galenic, nó đã trở thành sách giáo khoa và hướng dẫn giảng dạy y học chính thống trên khắp Tây Âu và các nước Hồi giáo trong hơn 700 năm.
Avicenna cũng được cho là người đã cải tiến phương pháp chưng cất rất đơn giản bằng cách phát minh việc kéo dài chiều dài của ống làm mát và tạo thành một cuộn dây, cho phép hơi nước làm mát nhanh hơn và hiệu quả hơn. Thành công lớn đầu tiên của ông trong phương pháp chưng cất cải tiến này là sản xuất tinh dầu hoa hồng (Damascus ở Syria là nơi sản xuất hoa hồng lớn nhất trong thế kỷ 13 và tên Damascus đã được dùng để đặt tên cho hoa hồng Damask – Rosa damascena)
Một cách sử dụng hương thơm đặc biệt thú vị khác của người Ả Rập đó là làm thơm vôi vữa dùng để xây dựng các nhà thờ Hồi giáo – đây là một hình thức nghệ thuật mà họ đã được người Babylon cổ đại truyền lại cho.
PHẦN 15 – SỰ PHÁT TRIỂN CỦA LIỆU PHÁP HƯƠNG THƠM TRONG THẾ KỶ 20
Các bác sĩ người Ý, Renato Cayola và Giovanni Garri đã tiến hành các thí nghiệm về tác động tâm lý của tinh dầu trong những năm 1920 và 1930. Họ đã quan sát tác động của tinh dầu tới huyết áp, hệ thần kinh, nhịp tim và nhịp thở, đặc biệt là tác dụng kích thích và làm dịu của chúng, bên tác dụng kháng khuẩn đã được ghi nhận.
Kể từ lần đầu tiên du nhập vào Anh sau Chiến tranh thế giới thứ hai, ngành công nghiệp hương liệu ngày càng có thế mạnh, có cấu trúc chặt chẽ hơn rất nhiều so với sự khởi đầu khiêm tốn, rồi mở rộng vai trò của nó trong ngành công nghiệp làm đẹp, tới chăm sóc sức khỏe, bệnh viện, và các trung tâm y tế.
Phương pháp tiếp cận lâm sàng đối với liệu pháp hương thơm tiếp tục được phát triển ở Pháp và vào năm 1969, Maurice Girault đã phát triển ‘aromatogram’, dựa trên nghiên cứu của Schroeder và Messing. Sắc ký đồ liên quan đến kỹ thuật thí nghiệm xác định khả năng kháng khuẩn của các loại tinh dầu cụ thể tác động tới các mầm bệnh vi sinh vật cụ thể, kết quả của sự phát triển này là nhiều nghiên cứu sâu hơn đã được thực hiện về khả năng kháng khuẩn của tinh dầu.
Trong khi đó, ở Pháp, Daniel Penoel (một sinh viên y khoa) bắt đầu quan tâm đến công việc của Jean Valnet. Ông đã hợp tác với một nhà hóa học (Pierre Franchomme) để phát triển thứ mà sau này được gọi là ‘liệu pháp hương thơm khoa học’. Trọng tâm là điều trị nhiễm trùng bằng tinh dầu và ngày nay phương pháp này được gọi là “aromatology” hoặc “aromatic medicine”.
Theo thời gian, các tổ chức chuyên nghiệp, đại diện cho ngành đã được thành lập nhằm mang lại cho liệu pháp trị liệu mới nổi này nhiều sự tin cậy hơn. Các tiêu chuẩn giáo dục về hương liệu đã được cải thiện rất nhiều, các cơ quan khác nhau được thiết lập để giải quyết các vấn đề cụ thể như chất lượng của tinh dầu, các quy chế, luật định liên quan tới an toàn thực phẩm cũng như hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khoẻ.
Ngày nay, liệu pháp hương thơm là một trong những hình thức phổ biến và hiệu quả của Y học bổ sung . Những tác động tích cực của liệu pháp hương thơm cuối cùng đã được chứng minh thông qua nghiên cứu lâm sàng trong các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới, mặc dù thực tế là công dụng của những loại tinh dầu này đã được thực nghiệm trong hàng nghìn năm.
Nguồn : YenEssenza