KINH NGHIỆM CHỌN MUA XÀ PHÒNG HANDMADE

Nội Dung Bài Viết

Bài viết gốc được chia sẻ từ G Tinh Dầu Liệu Pháp Mùi Hương của bạn Phạm Thị Linh Giang.

Chào mọi người, xà phòng handmade là một chủ đề khá thú vị gần đây, em thấy nó cũng là một sản phẩm ứng dụng của OILS và ESSENTIAL OILS. Bản thân em chưa từng làm xà phòng và mình đang tiếp cận nó dưới tư cách là một Dược sĩ tìm hiểu về một mảng kiến thức mới mà mình thú vị. Do đó mình cũng rất muốn được chia sẻ cho mọi người cùng theo dõi và bổ sung ạ! Hôm nay em xin chia sẻ về các phương pháp được sử dụng làm xà phòng, nguyên liệu cần có, ưu nhược điểm và đặc điểm của chúng.

Theo em tìm hiểu thì có 4 phương pháp để tạo thành thành phần xà phòng handmade:
– Hand-milled, or rebatched, soap (Xà phòng đun lại, tái sản xuất)
– Melt-and-pour soap (Đun chảy đổ khuôn)
– Cold process soap (Phản ứng xà phòng hóa từ từ ở nhiệt độ thường)
– Hot process soap (Phản ứng xà phòng hóa từ từ ở có tác động nhiệt)

Bài biết này, em xin phân tích sâu hơn về hai phương pháp được sử dụng phổ biến nhất trên thị trường Việt Nam hiện nay là phương pháp Đun chảy đổ khuôn (tạm gọi là phương pháp NHANH) và phương pháp Tạo phản ứng xà phòng hóa từ từ ở nhiệt độ thường hoặc hơi thấp (tạm gọi là phương pháp CHẬM).

Nếu nói về hai phương pháp NHANH và CHẬM này thì nó như kiểu để có một tô mỳ ngon, Bạn có 2 phương án, một là mua một gói mỳ có sẵn về pha, Bạn chỉ cần cho thêm gia vị, màu sắc là ăn được luôn còn một bên là Bạn phải mua bột mỳ, bổ sung thêm nước, bột nở các thành phần rồi nhào và cho bột nghỉ cho đến khi cán và thái được các sợi mỳ như ý rồi mới chế biến thêm gia vị và chén.

Nói như thế có nghĩa là gì?

– Với phương pháp Melt-and-pour soap (Đun chảy đổ khuôn) Bạn cần một lượng phôi xà phòng có sẵn, đun chảy ở nhiệt độ tầm 60 độ C, thêm bột dược liệu, dịch chiết dược liệu, màu, tinh dầu (hương tổng hợp), có thể thêm dầu thực vật, đợi đến nhiệt độ thích hợp để hỗn hợp hơi nguội và có thể chất xác định thì đổ khuôn, đợi rắn là có thể cắt thành từng miếng xà phòng nhỏ hơn để dùng hoặc đổ vào khuôn có hình dạng sẵn. – Với phương pháp Cold process soap (Phản ứng xà phòng hóa từ từ ở nhiệt độ thường), mọi thứ phức tạp hơn, đi từ nguyên liệu ban đầu là NaOH và các dầu thực vật. Pha dung dịch NaOH (có thể dùng nước ép hoặc cao dược liệu thay nước). Hỗn hợp dầu cũng được đun chảy và trộn đều với nhau có thể thêm tinh dầu, hương tổng hợp. Đợi các dung dịch nguội đến khoảng 45 độ C thì khuấy trộn hai thành phần với nhau, có thể cho thêm màu và bột dược liệu. Để nguội đổ vào khuôn và đợi phản ứng xà phòng hóa từ từ diễn ra, khi xà phòng rắn lại sau vài hôm, bạn cắt thành từng miếng xà phòng nhỏ hơn.

Vậy, mỗi phương pháp có ưu nhược điểm gì?

Với phương pháp NHANH

Ưu điểm:
Xà phòng sau khi làm tầm 2-3 hôm là có thể sử dụng được.
An toàn hơn cho người làm cho không phải tiếp xúc với kiềm đặc
Thay đổi công thức, nghiên cứu công thức mới tiết kiệm thời gian hơn.

Nhược điểm:
Phôi xà phòng sẵn thường có nhiều Glycerin nên xà phòng thành phẩm thường có có hiện THOÁT GLYCERIN nhiều hơn và hút ẩm làm mất mỹ quan.
Nếu quan sát kỹ có thể thấy rõ hiện tượng tách lớp của các thành phần có tỷ trọng khác nhau trong thanh xà phòng.

Đặc điểm:
Thường hơi trong hoặc trong mờ.
Thường các phôi có thể chứa thêm các chất phụ gia
Chất lượng xà phòng phụ thuộc nhiều vào chất lượng phôi sẵn.
Thường không có quá nhiều lựa chọn về loại dầu thực vật trong phôi.
Cần được công bố bản COA (phân tích thành phần) của phôi cho khách hàng để minh bạch về thành phần, tránh các phản ứng dị ứng không đáng có.

Với phương pháp CHẬM
Ưu điểm
Bạn chủ động được các loại dầu thực vật có thể và điều kiện sản xuất cũng như các chất phụ gia có được thêm vào hay không. Lựa chọn được dầu thực vật phù hợp mục đích cũng như tính sẵn có tại địa phương, có thể chọn loại dầu nhiều triglycerid để tạo ra nhiều glycerin hơn, tăng cường dưỡng ẩm.
Xà phòng có khả năng làm sạch sâu hơn do gốc carbon trong muối kiệm được tạo ra từ phản ứng xà phòng hóa với các dầu thực vật đa dạng hơn, có các mạch ngắn nên làm sạch sâu hơn.
Có thể kiểm soát lượng dầu dư để điều chỉnh pH dịu nhẹ, tăng tác dụng dưỡng da.

Nhược điểm:
Cần 4-6 tuần để phản ứng xà phòng hóa diễn ra hoàn toàn đạt pH xà phòng mong muốn (thường dưới 8,5 là có thể dùng được)
Tinh dầu có thể nhanh mất mùi hương, màu tự nhiên có thể biến đổi mạnh dưới tác động của pH cao trong giai đoạn xà phòng hóa.
Thay đổi công thức, nghiên cứu công thức mới mất nhiều thời gian hơn.
Đặc điểm
Thường đục.
Chất lượng tùy thuộc vào các loại dầu thực vật lựa chọn và sự tính toán của người sản xuất (ví dụ pH)
Cần công khai loại dầu thực vật lựa chọn cho khách hàng (mức tiêu chuẩn)

GIÁ CỦA XÀ PHÒNG TÙY VÀO?

Theo mình giá của XÀ PHÒNG được định giá dựa trên các yếu tố ngoài chi phí sản xuất và kiểm soát chất lượng bao gồm:

Giá thành nguyên liệu: tương ứng với 02 phương pháp phổ biến sử dụng là phương pháp đun nóng đổ khuôn (dung phôi sẵn) và xà phòng hóa lạnh/nóng (dùng dầu thực vật và NaOH/KOH). Với 2 phương pháp các nguyên liệu được sử dụng khác nhau với các mức giá khác nhau. Giá của dầu thông thường rẻ hơn dầu hữu cơ và dầu hữu cơ cao cấp có chứng chỉ thì lại càng đắt hơn (như các loại bột khác nhau với mức chất lượng khác nhau). Giá phôi sẵn cũng có nhiều loại dựa vào nguồn gốc và tiêu chuẩn nữa (nó như giá các hãng mỳ tôm khác nhau)

Mức lãi mong muốn, theo như kinh nghiệm tìm hiểu về quản trị sản xuất giá thành sản xuất chiếm từ 30-50% thậm chí hơn so với định giá bán tùy thuộc độ lớn lô, kênh phân phối. Tuy nhiên, cái này em muốn chia sẻ thêm vì thực tế có rất nhiều chị học xà phòng hand made và chỉ làm bán cho vui nên họ chỉ nhận mức lãi từ 5-10-15k/1 bánh xà phòng.
Cuối cùng là thương hiệu: chi phí xây dựng thương hiệu, hình ảnh công ty. Công ty càng lớn, giá thương hiệu càng cao. Thương hiệu ở đây dân DƯỢC mình gọi là KINH PHÍ bỏ ra để thuê CÔNG TY đảm bảo CHẤT LƯỢNG cho sản phẩm của bạn qua từng khâu, từ kiểm soát nguyên liệu đầu vào, giám sát sản xuất, kiểm nghiệm sản phẩm, đóng gói, bảo quản. Một sản phẩm của một bên có đăng ký và một bên không dù cùng chất lượng thì bên có đăng ký chắc chắn sẽ có giá cao hơn.

Trên thị trường xuất hiện nhiều các sản phẩm xà phòng handmade chủ yếu là dạng rắn (dạng thanh) với mức giá từ 20-30k cho đến 120-250k/100g. Bạn chọn mức giá nào thì sẽ có chất lượng tương xứng.

Xà phòng làm từ PHÔI SẴN và xà phòng XÀ PHÒNG HÓA CHẬM có GIỐNG NHAU không?

Mình cũng có tìm hiểu và xin được chia sẻ đôi chút thông tin. Ở đây mình không nói phương pháp nào tốt hơn, đơn giản là nó khác nhau do đặc thù về nguyên liệu và phương pháp sử dụng.
Nhiều người vẫn nghĩ, xà phòng handmade làm từ PHÔI SẴN vẫn tương tự xà phòng làm bằng phương pháp XÀ PHÒNG HÓA CHẬM; vì phôi sẵn cũng được tạo phôi bằng phương pháp thông thường là xà phòng hóa dầu thực vật (phổ biến là dầu dừa) với kiềm.
Nếu bài toán phôi sẵn nó đơn giản như vậy, thì tại sao các bạn làm xà phòng thủ công theo phương pháp CHẬM lại không bỏ công làm hẳn 1 lô phôi SIÊU TO KHỔNG LỒ rồi khi cần mix thêm các nguyên liệu khác và sản xuất dần, vừa tiết kiệm thời gian, vừa đa dạng chủng loại lại dùng được luôn.
Thực ra thì việc sản xuất xà phòng bằng phương pháp như giả định của mình còn gọi là phương pháp RE BATCHED – và người ta không quên lưu ý rằng, các mẻ xà phòng XÀ PHÒNG HÓA CHẬM được RE BATCHED càng sớm thì càng dễ chảy lỏng và cần thêm ít dung môi hơn trong quá trình làm. Dĩ nhiên hình thức và tác dụng sẽ không được như cũ.
Do đó chắc chắn, xà phòng là từ hai phương pháp trên là không giống nhau.

1. Về thành phần:
Theo mình tìm hiểu, trong Phôi xà phòng sẵn ít nhiều vẫn có chất phụ gia, chất phụ gia để giúp phôi xà phòng dễ dàng chảy lỏng khi đun nóng và đông đặc lại khi để nguội, giúp xà phòng có thể chất TRONG hay ĐỤC; ngoài ra còn có các chất bảo quản, chất tạo bọt, chất dưỡng ẩm và một số thành phần khác tùy vào mục đích chăm sóc da của xà phòng thành phẩm. (Phiếu kiểm nghiệm phôi này nên được public cho người dùng để họ biết họ có mẫn cảm với thành phần nào trong phôi hay không).
Lưu ý là vẫn có một số loại phôi TỰ NHIÊN, không chứa các thành phần đó để cho nó TỰ NHIÊN NHẤT CÓ THỂ nhưng mức giá thành không phải là thấp.
Mọi người có thể tham khảo hình ảnh về thành phần của PHÔI XÀ PHÒNG mình trích từ một cuốn sách về xà phòng. Còn về phương pháp Xà phòng hóa CHẬM người ta quan tâm nhiều đến COA (phiếu kiểm nghiệm) của các loại dầu được sử dụng, xem chúng có những loại acid hữu cơ nào, có tác dụng chính là gì, có thêm chất bảo quản hay phụ gia gì không, là dầu THÔ hay là dầu TINH LUYỆN thậm chí nguồn gốc từ THỰC VẬT hay DẦU MỎ?

Tiếp theo sẽ là tỷ lệ các loại dầu sẽ quyết định đến GIÁ THÀNH và các tác dụng về chăm sóc da của xà phòng. Cuối cùng chắc chắn phải quan tâm đến pH của bánh xà phòng thành phẩm đảm bảo mức pH phù hợp với da (thể hiện tay nghề và tính toán acid-base của người làm xà phòng chuẩn đến mức độ nào?).

Ở đây, Mình giả sử các thành phần dịch chiết dược liệu, bột dược liệu và tinh dầu có thêm vào là như nhau.

2. Một ví dụ khá thú vị về việc sử dụng thêm DẦU THỰC VẬT CAO CẤP trong quá trình làm xà phòng ở 2 phương pháp nó sẽ khác nhau như thế nào?

Việc sử dụng thêm dầu thực vật trong phương pháp làm xà phòng đun chảy đổ khuôn từ PHÔI SẴN, dầu thực vật được cho vào sau khi quá trình xà phòng hóa đã diễn ra trong phôi, do đó, dầu thực vật trong trường hợp này sẽ có tác dụng chính là giúp dưỡng ẩm, làm mềm, cung cấp dưỡng chất cho da, có thể làm sạch bã nhờn và dầu dư trên da.

Tuy nhiên, nếu Bạn sử dụng CÙNG LOẠI loại dầu thực vật này để làm xà phòng theo phương pháp xà phòng hóa CHẬM, thì các acid béo và triglycerid trong dầu thực vật sẽ tham gia chủ yếu vào phản ứng xà phòng hóa cùng NaOH tạo thành các muối kiềm có mạch carbon rất đa dạng (dài ngắn khác nhau), tăng khả năng làm sạch sâu. Đương nhiên nó vẫn sẽ được tính toán dư một chút để đảm bảo pH xà phòng càng gần 8 càng tốt và lượng dầu dư này còn lại cũng giúp dưỡng ẩm, làm mềm, cung cấp dưỡng chất cho da nhưng sẽ không quá nhiều.

Do đó nếu xà phòng ĐỔ KHUÔN mà cho thêm dầu thì tắm sẽ cảm giác như có một lớp dầu trên da, hơi sơ nước; còn xà phòng sản xuất bằng phương pháp CHẬM sẽ ít có cảm giác đó.
Trên đây là 2 điểm khác biệt rõ nhất mà mình nhận thấy trong quá trình làm xà phòng handmade giữa hai phương pháp.
Thực tế thì phương pháp đổ khuôn là phù hợp hơn cho những bạn mới tập tự làm xà phòng tại nhà vì nó an toàn, nhanh và thỏa sức sáng tạo. Chỉ cần Bạn chọn được PHÔI chất lượng thì xà phòng của Bạn dùng cũng rất OK.

Phương pháp xà phòng hóa lạnh thì khi làm phải cực kỳ cẩn thận do tiếp xúc với NaOH, tính toàn tỷ lệ chi li để đảm bảo về thể chất, pH của xà phòng, nên có người hướng dẫn.”



Trên đây là một số chia sẻ của Bản thân, mong nhận được sự góp ý của chị em để hoàn thiện hơn ạ